Bộ trưởng giao 9 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng quản lý thị trường

Chiều ngày 27/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên – Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương trên cả nước về tình hình hoạt động 8 tháng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).Chiều ngày 27/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên – Phó Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến với 63 địa phương trên cả nước về tình hình hoạt động 8 tháng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT).

Cùng tham dự trực tiếp và trực tuyến có đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở ban ngành trong Ban Chỉ đạo 389 các địa phương; Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đại diện Cục, Vụ có liên quan thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan báo chí truyền thông.

8 tháng năm 2024, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT – cho biết, 8 tháng năm 2024, tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các thời điểm lễ tết, kỳ nghỉ dài ngày do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động.

Hành vi vi phạm của các đối tượng luôn thay đổi. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: Thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm...

Ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT báo cáo

Liên quan đến mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, khí bóng cười (N2O), những tháng đầu năm, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng.

Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này có thể kể đến: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hoà, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh... “Trước đây, các đối tượng tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện” - đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thông tin và nhấn mạnh, đây tiếp tục là mặt hàng kiểm tra, kiểm soát trọng tâm của lực lượng trong những tháng cuối năm.

Đáng chú ý, trong 8 tháng năm 2024, Quản lý thị trường cả nước tiếp tục tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước. Chỉ riêng nửa đầu tháng 6/2024 triển khai chuyên đề kiểm tra môi trường online, trong tổng số 455 website có dấu hiệu vi phạm trên cả nước, toàn lực lượng đã xử phạt 161 vụ, số tiền xử phạt là 3,6 tỷ đồng. Trong 8 tháng, đã kiểm tra 1.786 vụ (tăng 1.263 vụ, tăng 241% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 1.683 vụ vi phạm (tăng 1.186 vụ, tăng 238% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển Cơ quan điều tra 03 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự; xử phạt vi phạm hành chính gần gần 31 tỷ đồng (tăng 23 tỷ đồng, tăng 288% so với cùng kỳ năm 2023); trị giá hàng hóa vi phạm trên 28 tỷ đồng (tăng 24,5 tỷ đồng, tăng 700% so với cùng kỳ năm 2023). Đáng lưu ý là cả 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đều xảy ra các vi phạm trên môi trường online.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá vàng trong nước có nhiều biến động, Tổng cục QLTT bám sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo Cục Nghiệp vụ QLTT và Cục QLTT các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm trên phạm vi cả nước, điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Nghệ An... Qua đó, đã góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý mặt hàng vàng.

Về công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm, Tổng cục QLTT với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã kịp thời tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cục QLTT địa phương với vai trò là thường trực hoặc thành viên của Ban Chỉ đạo 389 cấp tỉnh đã tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đợt cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường đã được Cục QLTT các địa phương chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tính chung, từ 15/12/2023 - 22/8/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 50.445 vụ; phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng; trong đó, thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023).

Tăng cường phối hợp, chia sẻ dữ liệu

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các sở ban ngành trong Ban chỉ đạo 389 các địa phương; Lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; các đơn vị thuộc Bộ (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được của lực lượng QLTT trong vai trò lực lượng chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế và đề ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác QLTT.

Ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia – chia sẻ, lãnh đạo UBND các tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các địa phương đánh giá cao về công tác QLTT, tư cách, trách nhiệm của lực lượng QLTT, đặc biệt là với vai trò là Trưởng ban thường trực tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chống buôn lậu gian lận thương mại, hàng giả.

Cũng đánh giá cao hoạt động của QLTT ở địa bàn tỉnh đã đảm bảo theo đúng chỉ đạo của cấp trên, các yêu cầu thực tiễn của địa phương; và phối hợp tốt các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quảng Ninh - cho biết, nhiều năm nay, tỉnh luôn quan tâm công tác xây dựng các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 nói chung và QLTT nói riêng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, ông Diện kiến nghị Bộ thống nhất chung cơ chế mua tin, đầu mối thường trực trong công tác an toàn thực phẩm để thống nhất cơ chế điều hành…

Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh – cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác QLTT, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT cần chủ động thường xuyên rà soát kiểm tra quy trình nội bộ để bảo đảm chặt chẽ không phát sinh kẽ hở, phát sinh vi phạm tham nhũng tiêu cực.

Liên quan đến vi phạm trên môi trường thương mại điện tử và công tác phối hợp của lực lượng QLTT, chia sẻ tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho biết, trong 8 tháng vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới cơ quan công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân. Ngoài ra, cơ quan này đã rà soát và chuyển thông tin hơn 110 website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm về hành chính cho Tổng cục QLTT và lực lượng QLTT ở địa phương để xử lý theo thẩm quyền.

Cục cũng phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, tổ chức các lớp phổ biến pháp luật về thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý, doanh nghiệp… nhằm nâng cao kiến thức trong lĩnh vực này, đồng thời tăng cường cơ chế chia sẻ dữ liệu thương mại điện tử với lực lượng QLTT đặc biệt là với cơ quan quản lý thuế, công an, nhằm nhận diện các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng phòng tránh các rủi ro.

“Phía Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tăng cường rà soát và chuyển thông tin về các website, ứng dụng thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm để giúp lực lượng chức năng xử lý theo thẩm quyền”- bà Lê Hoàng Oanh nói.

9 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng QLTT

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong 08 tháng qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ và cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng QLTT đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được những kết quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của lực lượng.

Theo đó, hiệu quả công tác QLTT, đấu tranh phòng chống các vi phạm, gian lận thương mại (nhất là trong thương mại điện tử) vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; tình trạng hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, thậm chí có hệ thống. Các vi phạm về hàng hóa trong thương mại điện tử có xu hướng gia tăng. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản ánh thực chất tình trạng vi phạm đang diễn ra trên thị trường.

Kiểm tra, kiểm soát địa bàn của nhiều tổ, đội, đơn vị cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra chủ yếu mới chỉ tập trung chủ yếu ở khâu kiểm tra giấy phép kinh doanh, xuất xứ hàng hóa và niêm yết giá; các vi phạm khác chưa chú trọng, phát hiện kịp thời; việc áp dụng chế tài xử phạt cũng chưa đủ sức răn đe.

Công tác quản lý, giáo dục cán bộ, công chức nhất là ở cấp cơ sở chưa đạt hiệu quả cao; tình trạng cán bộ vi phạm quy định của Ngành, thậm chí vi phạm quy định pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với tốc độ phát triển mạnh của thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ ngày càng đặt ra nhiều thách thức cho công tác QLTT, tư lệnh ngành Công Thương đã đưa ra mục tiêu chung của công tác QLTT từ nay đến cuối năm và năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước trong nước.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém thời gian qua, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Tổng cục QLTT, các đơn vị cơ sở, và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố cùng ngành Công Thương quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là: Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, Tổng cục và các đơn vị trực thuộc Tổng cục cần chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi (nhất là Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tổng cục và các Cục QLTT sau 5 năm thực hiện mô hình quản lý mới; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực (do Tổng cục QLTT chủ trì tham mưu) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của toàn lực lượng.

Hai là: Tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tuyến, địa bàn, nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2025. Cụ thể:

Các Cục QLTT tại tuyến biên giới phía Bắc tập trung xử lý các mặt hàng: Pháo nổ, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, hàng thời trang, thực phẩm, mỹ phẩm, thức ăn gia súc, gia cầm;

Các Cục QLTT tại tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên tập trung xử lý các mặt hàng: Đường cát, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng;

Các Cục QLTT tại tuyến biên giới Tây Nam tập trung xử lý các mặt hàng: Vàng, thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;

Các Cục QLTT các tỉnh trong nội địa tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán sầm uất, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân (vừa qua, hầu hết địa phương mới quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá và xử phạt ở mức nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Còn vi phạm khác chưa xử lý được nhiều).

Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử; đặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề Thương mại điện tử và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực thương mại điện tử (như Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 (Quyết định 319 của Thủ tướng Chính phủ), Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị, chỉ đạo của Bộ trưởng trong lĩnh vực này.

Ba là: Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng. Rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình xử lý vụ việc, nhất là cơ chế giám sát người thực thi công vụ. Đặc thù của QLTT là đơn tuyến, hoạt động độc lập, cho nên cơ chế quản lý giám sát, quy trình xử lý vấn đề, vụ việc cần phải được xây dựng và công khai, để lãnh đạo của Cục, Đội có thể giám sát cán bộ khi thực thi nhiệm vụ ở địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là các hiện tượng (hành vi) bảo kê, tham nhũng, tiêu cực (đặc biệt, đối với các trường hợp để xảy ra vi phạm nhiều lần, mức độ sai phạm nghiêm trọng).

Tổng cục cần quy định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu nếu để xảy ra những vi phạm nêu trên (chú ý áp rõ khung xử lý với chế tài cao nhất đối với những vi phạm điển hình để có sức răn đe).

Bốn là: Chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng QLTT hoạt động hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phối hợp, chương trình công tác với Văn phòng Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng ở địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.

Năm là: Từng cấp, từng đơn vị cần chủ động rà soát, xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, bức xúc, nổi cộm trong đơn vị để xử lý kịp thời, dứt điểm theo đúng nguyên tắc, điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với thực tiễn, tình hình ở mỗi nơi.

Chăm lo tốt hơn công tác cán bộ, nhất là các khâu: Giáo dục rèn luyện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm đề bạt, luân chuyển, điều động cán bộ, chú ý làm tốt công tác khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ. Tiếp tục thực hiện công tác bố trí lãnh đạo, quản lý không là người địa phương; luân chuyển cán bộ phụ trách địa bàn, đối tượng quản lý để bảo đảm hoạt động đó khách quan, công tâm và thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Bộ.

Sáu là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông (trên tất cả các kênh) nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của Ngành; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác của toàn Lực lượng.

Bảy là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác QLTT nói chung, công tác đấu tranh, phòng chống gian lận thương mại; và có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, ví dụ: giữa QLTT với thuế, hải quan, ngân hàng...

Tám là, chú trọng đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong thương mại điện tử.

Chín là, tiếp tục nâng cao vai trò, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và đề cao tính tiền phong gương mẫu của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu. Tiếp tục thực hiện cơ chế xử lý rất nghiêm người đứng đầu của tổ chức cá nhân thuộc phạm vi phụ trách của mình nếu để xảy ra vi phạm. Đối với nơi xảy ra vi phạm nhiều lần thì cần phải kiên quyết xử lý.

Liên quan đến những kiến nghị cụ thể của các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Tổng cục QLTT phối hợp với Văn phòng Bộ phân loại, tham mưu báo cáo Lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Lực lượng.

1800 577785 ĐĂNG KÝ THÔNG TIN