Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng dược mỹ phẩm

Bộ Y tế vừa có văn bản số 8096/BYT-TTrB gửi các đơn vị thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kém chất lượng.
19-32-40-my-pham-1704679320.jpg

Theo Bộ Y tế, năm 2023, các đơn vị, địa phương đã tích cực chủ động triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp và dự báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thì tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm ở hữu trí tuệ, ... đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.

Để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý như: thực phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm,... đặc biệt đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và sức khoẻ người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 an toàn, vui tươi, khỏe mạnh; Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị căn cứ tình hình thực tế, đặc thù tại địa phương, đơn vị và chức năng, nhiệm vụ được giao để chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hoá theo lĩnh vực và địa bàn quản lý.

Phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Kịp thời đia tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để mọi người dân biết. Nếu phát hiện hành vi nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm, đề nghị chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

1800 577785 ĐĂNG KÝ THÔNG TIN