Ngày 23/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”.
Nguy hại đến sức khỏe, tính mạng
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Quang Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam nhấn mạnh, thuốc và thực phẩm chức năng có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống con người, là sản phẩm mà con người đưa trực tiếp vào cơ thể của mình để chữa bệnh và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để giảm nguy cơ bệnh tật.
Nhưng nếu sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng giả không những không có tác dụng mà còn nguy hại đến sức khỏe, tính mạng. Vì nó có tầm quang trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người nên các loại sản phẩm này phải được cơ quan chức năng quản lý, kiểm tra một cách chặt chẽ, nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của người tiêu dùng.
Ttuy nhiên, thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.
Tham luận tại hội thảo, ông Trần Đức Đông, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) cho biết, công tác phòng, chống hàng giả nói chung luôn được Nhà nước quan tâm và về cơ bản, chúng ta đã có đầy đủ các chính sách phòng, chống thuốc và thực phẩm chức năng giả.
Tuy vậy trong thực tế, xu hướng buôn bán sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng giả có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng chuyển sang ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, qua đường bưu chính để vận chuyển, công khai mua bán trên môi trường mạng... Ông Đông cũng cho biết, dự báo thời gian tới, buôn lậu, gian lận thương mại nói chung và thuốc, thực phẩm chức năng giả nói riêng sẽ vẫn diễn biến phức tạp.
Đặt sản xuất hàng giả luôn từ nước ngoài
Còn theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả đã len lỏi đến mọi lĩnh vực, địa bàn, trong cả khâu sản xuất và kinh doanh. Sản phẩm bị làm giả có thể từ cuốn vở đến phân bón, thuốc trừ sâu, rồi nước hoa, mỹ phẩm, tổ yến, thực phẩm chức năng,... “Tất cả những gì có thể mang lại lợi nhuận đều có thể bị làm giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ”, ông Lê cho biết.
Trong khi đó, hàng giả sản xuất trong nước thường có quy mô nhỏ vì luôn phải di dời cơ sở sản xuất để đối phó cơ quan chức năng, chủ yếu được làm giả, trà trộn trong các làng nghề...
“Nhưng nguy hiểm nhất không phải là hàng giả sản xuất trong nước, mà đặt sản xuất giả luôn từ nước ngoài rồi vận chuyển về. Nhiều đơn vị nhập khẩu, có tờ khai, nhưng thực tế là đặt làm giả ở nước ngoài, tinh vi hơn rất nhiều”, ông Lê nói.
Cũng theo ông Lê, nếu mua phải cái túi xách hay chiếc áo giả, người tiêu dùng cũng ảnh hưởng quyền lợi, thiệt hại kinh tế, nhưng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả thì khác, nguy hiểm hơn vì ảnh hưởng đến đến tính mạng, sức khỏe. Người bệnh dùng thuốc giả, cơ hội chữa bệnh mất đi, sức khỏe giảm sút. Với doanh nghiệp làm ăn chân chính, bị ảnh hưởng thương hiệu, nền kinh tế cũng bị giảm uy tín, khi chúng ta hội nhập mà sản phẩm bị làm giả sẽ khó thu hút đầu tư nước ngoài...
Nhưng giải quyết tình trạng này không đơn giản, vì lợi nhuận quá cao. “Mặt hàng duy nhất không ai mặc cả khi mua là thuốc, thực phẩm chức năng. Và đây chính là điều tạo ra siêu lợi nhuận, khiến người ta cố làm giả”, lời ông Lê.
Nói về giải pháp, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, bên cạnh việc nỗ lực đấu tranh chống hàng giả của các lực lượng chức năng, việc doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, thì nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu. Nếu dân vẫn mua tự phát, không qua kê đơn, thì cơ hội cho hàng giả, xâm phạm bản quyền, hàng kém chất lượng vẫn còn.
Làm giả cả tem chống giả
Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng Thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dược Việt Nam nhìn nhận, nhiều năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Trong số các mẫu thuốc tân dược bị làm giả thì đa số là kháng sinh và thường là những kháng sinh đắt tiền của các thương hiệu dược nổi tiếng.
Theo bà Hà, thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.
Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty Dược phẩm áp dụng, tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi.
“Thật trái ngang khi công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật. Chúng tôi mong muốn rằng cùng với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả.
Song song với đó, các doanh nghiệp Dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sức mệnh thiêng liêng của người thầy thuốc”, bà Hà bày tỏ.
Thảo luận về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng, trong thực tiễn, nhiều người tiêu dùng mua thuốc rất mạo hiểm, chẳng có đơn mà cũng không hiểu gì về xuất xứ hàng hóa, nhưng vẫn mua. Chính sự chủ quan, cẩu thả này của người tiêu dùng cũng là tạo cơ hội cho thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tồn tại.