Thực trạng gian lận và giả mạo xuất xứ Việt Nam một mặt gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn của người tiêu dùng, mặt khác còn tác động tiêu cực và giảm uy tín của hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khó tính. Từ thực tế này đòi hỏi sớm ban hành quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và cách ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá sản xuất tại Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp lúng túng và khó khăn trong xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa phục vụ mục đích ghi nhãn hàng hoá theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP hoặc khi có yêu cầu kiểm tra, chứng minh xuất xứ hàng hóa của các cơ quan quản lý nhà nước. Về phía Bộ Công Thương đã nhận được nhiều câu hỏi của doanh nghiệp sản xuất trong nước (như Cổ phần KAROFI Việt Nam, Công ty TNHH Enplas Việt Nam, Công ty Cổ phần Kooda Việt Nam, Công ty Ajinomoto Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Tôn Hoa Sen, Công ty TNHH Khoáng sản Transcend Việt Nam… ) và các Hiệp hội ngành hàng (như Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam, Hội Thương mại Đài Loan tại Đà Nẵng…) đề nghị hướng dẫn xác định xuất xứ cho hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa sản xuất và lưu thông trong nước.
Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hoá sản xuất tại Việt Nam và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Theo đó, quy định về cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đối với hàng hóa lưu thông trong nước; không áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu. Việc xác định xuất xứ hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc quy định của nước nhập khẩu về xác định xuất xứ hàng hóa. Về nguyên tắc xác định và thể hiện hàng hoá sản xuất tại Việt Nam: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tự xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và tự chịu trách nhiệm về việc xác định của mình theo quy định. Hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam” được thể hiện hoặc ghi trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Tổ chức, cá nhân thể hiện hoặc ghi hàng hóa sản xuất tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Trường hợp thể hiện hoặc ghi thêm bằng tiếng nước ngoài thì phải sử dụng cụm từ tương đương. Trường hợp không xác định được hàng hóa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa và thể hiện bằng một trong các cụm từ hoặc kết hợp các cụm từ sau: “lắp ráp tại Việt Nam”; “đóng chai tại Việt Nam”; “phối trộn tại Việt Nam”; “hoàn tất tại Việt Nam”; “đóng gói tại Việt Nam”; “dán nhãn tại Việt Nam” hoặc theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực thi xuất xứ hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu trong việc kiểm tra, xác định, quản lý một cửa quốc gia, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Theo số liệu báo cáo từ Cục Hải quan các tỉnh, thành phố cho thấy một số địa phương đã triển khai có hiệu quả việc kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo đúng chỉ đạo của Tổng cục Hải quan; nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến khai sai xuất xứ, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, ghi nhãn (Made in Vietnam), hàng không có nội dung ghi nhãn bắt buộc, gia công chế biến đơn giản, hàng giả mạo nhãn hiệu... đã bị phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm kịp thời đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.
T.Hằng