Sản xuất bền vững: doanh nghiệp phải làm sớm nếu muốn kinh doanh toàn cầu

Không chỉ yêu cầu ở trong nước, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đề ra “chuẩn mực mới” cho sản phẩm mua từ nước ngoài, nhất là chuyện sản xuất bền vững. Điều này, bắt buộc doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, nếu muốn tiếp tục làm ăn với thế giới…

Yêu cầu chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững cũng là một trong những hành động cụ thể được các quốc gia trên thế giới đưa ra nhằm hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2030 giảm phát thải khí nhà kính xuống còn dưới 45% và giữ nền nhiệt độ chung ở mức 1,5 độ C.

Trước yêu cầu nêu trên, Việt Nam cũng đã có những hành động cụ thể nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính như cam kết của Chính phủ tại COP 26 là đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tăng doanh nghiệp buộc phải kiểm kê khí nhà kính

Tại hội thảo “Chuyển dịch xanh: thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty cổ phần sáng tạo xanh Việt Nam (Green In) cho biết, sau COP 26, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các nghị định, quyết định nhằm hiện thực hoá cam kết.

Theo bà, tại điều 90 của Luật bảo vệ môi trường đã có quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa quy định nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 năm 2022 về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Trong đó, đối tượng phải thực hiện giảm phát thải và kiểm kê khí nhà kính là những cơ sở có phạm vi phát thải khí nhà kính từ 3.000 tấn Co2 tương đương trở lên. Hoặc cụ thể hơn là trong lĩnh vực sản xuất điện là 1.000 tấn dầu quy đổi hay lĩnh vực vận tải hàng hóa cũng là 1.000 tấn dầu quy đổi; trong lĩnh vực quản lý và xử lý rác thải, cơ sở phải thực hiện kiểm khí nhà kính khi mỗi năm có 65.000 tấn rác thải.

Bà Hà cho biết, sau nghị định 06, Chính phủ cũng đã ban hành quyết định 01 về “ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính”. Trong đó, có 6 lĩnh vực, bao gồm (I) năng lượng; (II) giao thông vận tải; (III) xây dựng; (IV) các quá trình công nghiệp; (V) nông nghiệp, lâm nghiệp và sửa dụng đất và (VI) là chất thải, với 1.912 doanh nghiệp trong cả nước phải sẽ thực hiện kiểm kê.

Để cụ thể hoá việc thực hiện cho từng lĩnh vực, Bộ chủ quản ở mỗi lĩnh vực cũng ban hành thông tư hướng dẫn về kỹ thuật quản lý và đo đạc kiểm kê khí nhà kính. “Chẳng hạn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có thông tư số 17 hướng dẫn kỹ thuật quản lý, đo đạc và kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực rác thải”, bà Hà dẫn chứng và cho biết, hiện ngành giao thông vận tải và xây dựng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này.

Tuy nhiên, theo bà Hà, số lượng cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính chắc chắn sẽ không dừng lại ở 1.912 như nêu ở trên. Bởi lẽ, quyết định 01 đang được rà soát, lấy ý kiến cho nên khả năng cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính sẽ nhanh chóng gia tăng. Nhiều khả năng số lượng thực hiện sẽ tăng lên 2.900 doanh nghiệp, chứ không chỉ là 1.912 như hiện nay. Có thể trong tháng 4-2024 sẽ có quyết định mới thay thế quyết định 01 như nêu ở trên.

“Với dự thảo thay thế quyết định 01, những ngành như: thuỷ sản, nông sản, thực phẩm, bao bì… sẽ được bổ sung vào danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, chứ không chỉ dừng lại ở 6 lĩnh vực như nêu ở trên. Như vậy, đối với ĐBSCL, các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính cũng tăng lên, từ 175 cơ sở như trong quyết định 01 lên 331 cơ sở như trong dự thảo mới”, bà Hà dẫn chứng.

Áp lực từ thị trường nhập khẩu còn lớn hơn

Ngay cả khi doanh nghiệp không nằm trong danh mục buộc phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Việt Nam, thì áp lực buộc phải thay đổi cũng rất lớn. Bởi lẽ, không ít thị trường nhập khẩu, nhất là EU đang ngày càng yêu cầu nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn hàng hoá nhập khẩu. vì vậy doanh nghiệp phải chủ động chuyển đổi để thích ứng phù hợp.

Xu hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh, sản phẩm mang tính trung hòa carbon để hiện thực hoá nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và bảo vệ môi trường sống đang ngày càng gia tăng. Chẳng hạn, ở châu Âu đã diễn ra những cuộc “đàm phán” giữa người tiêu dùng và các chính trị gia với yêu cầu hàng hóa khi xuất khẩu vào đây phải đạt đến mức trung hòa carbon, sản phẩm phải thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, với khu vực ĐBSCL thì những ngành như bao bì, dệt may, thực phẩm đang xuất khẩu nhiều sang EU, Mỹ và Hàn Quốc. Đây là những thị trường có yêu cầu cao về sử dụng bao bì bền vững hơn, tuần hoàn hơn trong quá trình chuyển đổi xanh để người tiêu dùng góp phần vào nỗ lực bảo vệ khí hậu toàn cầu.

Trong xu hướng tiêu dùng mới, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải gánh chịu rất nhiều rào cản buộc phải đáp ứng, chứ không chỉ là rào cản được quy định trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Xuất khẩu song phương sang các trường như Canada, Hàn Quốc… Ngoài những rào cản khung, chúng ta có thêm những rào cản về mặt phát thải khí nhà kính, đòi hỏi cần phải thay đổi, nhận diện để quá trình sản xuất phù hợp.

Sau thoả thuận xanh châu Âu (The European Green Deal- EGD) vào năm 2019 được thông qua bởi Hội đồng châu Âu, các chính sách liên quan nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính cũng ra đời. Trong đó, quy định về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ đánh thuế carbon hàng hóa nhập khẩu vào Châu Âu. CBAM ra đời như là công cụ áp một mức giá công bằng cho hàng hóa có mật độ phát thải cao khi nhập khẩu vào châu Âu, để tạo sự cân bằng giữa hàng hóa ở bên trong và bên ngoài.

Theo đó, mục tiêu của CBAM trước hết là để đạt được mục tiêu về khí hậu và sau đó là tránh “rò rỉ” carbon cũng như mất cân bằng giữa hàng hoá được sản xuất ra ở trong và ngoài châu Âu. Từ đó, khuyến khích hành vi sản xuất sạch hơn ở ngoài châu Âu cũng như đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở khu vực châu Âu liên quan đến sản phẩm xanh, sạch và tránh tác động đến biến đổi khí hậu.

Rõ ràng, nếu hàng hoá xuất khẩu vào châu Âu không đạt được mức phát thải phù hợp, tức nhiều hơn mức quy định của châu Âu, thì phải chịu thuế. Đây là vấn đề cơ sở/doanh nghiệp có hàng hoá xuất khẩu vào châu Âu phải hết sức lưu ý để có “hành động” phù hợp.

Được biết, từ nay đến năm 2030, CBAM sẽ đánh thuế đối với 6 mặt hàng, bao gồm sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và hydro, nhưng tương lai có thể mở rộng thêm với mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày…

Câu chuyện hiện nay đối với Việt Nam, dù muốn hay không cũng phải chuyển đổi sản xuất để phù hợp với xu hướng cũng như đòi hỏi mới của thị trường.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL (VCCI ĐBSCL) cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận thức trách nhiệm tham gia và từng bước rà soát nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh doanh cho phù hợp. “Điều này dù tạo áp lực buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ, phương thức sản xuất mới… nhưng cũng là cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp”, ông nói.

Ông Lam cho rằng, doanh nghiệp sẽ được bù lại bằng khai thác tín chỉ carbon và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu khi nhiều quốc gia yêu cầu sản phẩm phải đạt tiêu chí xanh, bền vững.

Bà Nguỵ Thị Giang, Chủ tịch HĐQT Green In cũng nhấn mạnh rằng, thị trường nhập khẩu đang ngày càng yêu cầu khắt khe hơn, nhất là đòi hỏi quá trình tạo ra sản phẩm phải không gây tác động đến môi trường. Vì vậy, doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng.

Từ nay đến 2030 là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi. Trong thời gian này, việc chuyển đổi thậm chí sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian, bởi năm 2034 CBAM sẽ vận hành toàn bộ. Doanh nghiệp vẫn còn thời gian để chuyển đổi phù hợp, nhưng phải ngay bây giờ…

1800 577785 ĐĂNG KÝ THÔNG TIN